Người vận chuyển tình thương trong mùa dịch

Đại đức Thích Pháp Như chung tay vì người nghèo.

Những mất mát, đau thương và sự khó khăn của bà con vùng dịch trong thời điểm này là không thể đong đếm được. Nhưng trong hoàn cảnh gian khó, bên cạnh sự chăm lo, trợ giúp kịp thời của Ðảng, Nhà nước, các cấp chính quyền còn có sự đồng lòng, sẻ chia của Tăng Ni và Phật tử cả nước phần nào đã giúp người dân vùng dịch thêm ấm lòng, vững tâm vượt qua khó khăn, từng bước khôi phục cuộc sống. Thật cảm động khi chứng kiến hình ảnh những chuyến xe chở hàng cứu trợ được Đại đức Thích Pháp Như hối hả phân bổ để đến với bà con đang gặp khó khăn trong các khu phong tỏa.

Đại đức cùng các Phật tử và mạnh thường quân đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng cho người nghèo..

“Gửi chút tình đến bà con vùng dịch” đó là phương châm mà Đại đức Thích Pháp Như đã cùng với Phật tử và các mạnh thường quân đã và đang làm nhằm hỗ trợ các chùa, tự viện và bà con vùng dịch trong thời gian qua với tổng kinh phí trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Đại đức Thích Pháp Như là một du học sinh chuẩn bị theo học Tiến sĩ toàn phần của học bổng ICCR tại trường đại học Quốc tế Nalanda, bang Bihar, Ấn Độ.

Đại đức Thích Pháp Như là một du học sinh đang chuẩn bị theo học Tiến sĩ toàn phần của học bổng ICCR tại trường đại học Quốc tế Nalanda, bang Bihar, Ấn Độ, nhưng tới ngày nhập học thì đại dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới trong đó có Ấn Độ và Việt Nam. Chưa thể nhập học, thời gian ở Việt Nam từ cuối năm 2020, trong đợt lũ lụt miền Trung, Đại đức đã vận động các bạn đồng tu, các mạnh thường quân tổ chức nhiều chuyến hàng cứu trợ và đã xây dựng được 7 căn nhà tình thương sau bão cho bà con vùng lũ.

Các Phật tử cùng Đại đức Thích Pháp Như tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch. 

Khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào tháng 5/2021, một lần nữa Đại đức tiếp tục hướng về TP.HCM với tình cảm chia ngọt, sẻ bùi với khẩu hiệu “Tất cả vì một Việt Nam không còn COVID”. Đại đức đã cùng với Phật tử, mạnh thường quân tiếp nhận tịnh tài, tịnh vật để chia sẻ khó khăn đến với người dân các chùa, các tự viện và hỗ trợ người dân khu cách ly phong tỏa dịch bệnh COVID-19. Hàng ngày, các loại lương thực từ rau, củ quả đến gạo, nước tương, đường, bột ngọt… từ các địa phương gửi về TP.HCM đều được Đại đức tiếp sức cho bà con vùng dịch đang trong cơn khố khó, hoạn nạn. Do phải giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, đời sống của người lao động nghèo ở TP.HCM gặp muôn vàn khó khăn. Việc chia sẻ khó khăn với người dân của Đại đức và các nhà hảo tâm còn thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc “người trong một nước thì thương nhau cùng” góp phần lan tỏa tinh thần từ bi, cứu khổ, ban vui của đạo Phật.

Không ngại nguy hiểm, khổ cực với gần 300 tấn hàng hóa đã được Đại đức Thích Pháp Như và các Phật tử, mạnh thường quân chia sẻ đến với bà con phương Nam.

Gần 300 tấn hàng gồm tịnh tài, tịnh vật đã được Đại đức Thích Pháp Như chia sẻ đến với bà con phương Nam. Trong hơn 2 tháng qua. Đại đức đã kết hợp với các bạn đồng tu, Phật tử, mạnh thường quân hỗ trợ rau củ quả (Trong đó có 21 tấn hỗ trợ công nhân và người dân Bình Dương; 17 tấn hỗ trợ Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam  TP.HCM; hơn 200 tấn cúng dường Học viện Phật giáo Việt Nam Cơ Sở II; cúng dường các chùa trong TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương và Tây Ninh để các chùa vừa sử dụng vừa hỗ trợ người dân đang bị cách ly quanh các chùa; hỗ trợ rau củ quả đến Ủy ban MTTQVN quận Bình Thạnh; hỗ trợ chương trình Tủ lạnh yêu thương của Mặt trận tổ quốc quận Bình Thạnh kết hợp với quận Đoàn; hỗ trợ bếp ăn của BCH Công an phường 22 quận Bình Thạnh; hỗ trợ bếp ăn cho các chiến sĩ canh chốt chặn của Bệnh viện dã chiến quận 2; hỗ trợ các bếp ăn của các đội nhóm tình nguyện tại TP.HCM; hỗ trợ khu phố 5 và các khu phố thuộc phường 22 quận Bình Thạnh; trao tặng 14,5 tấn gạo; 25 ngàn khẩu trang; 400 cái chăn; 100 bộ đồ bảo hộ; 264 đòn bánh tét và 664 phần quà gồm mì gói, nui, dầu, đường, bột ngọt, nước tương, hạt nêm gởi đến những khu cách ly…

Hỗ trợ người nghèo khó khắn trong đại dịch Covid-19 bùng phát.

Khi được hỏi dịch COVID còn diễn biến phức tạp, nhiều người ngại ra đường hay tiếp xúc chỗ đông người. Vậy Thầy có cách nào vẫn giữ được sự an toàn cho bản thân trong quá trình thiện nguyện của mình? So với các y bác sĩ, tình nguyện viên “tuyến đầu” đang trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân F0 thì thầy có đáng gì đâu. “Thầy và các Phật tử tự nguyện là “tuyến đuôi” để hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu để giúp đỡ cho bà con. Do đặc thù công việc nên Thầy thường xuyên tiếp xúc với các tài xế, đội ngũ vận chuyển và bốc xếp rồi trao quà đến người dân các khu phong tỏa… Nếu nói không sợ thì không đúng. Nhưng tình thương đã lấn áp đi nỗi sợ. Thầy nghĩ rằng, nếu ai cũng sợ thì ai sẽ cứu người. Chính vì vậy, Thầy luôn nhắc nhở bản thân và các anh em luôn giữ 5K để giữ an toàn cho mình và mọi người”, Đại đức tâm sự.

Đại đức Thích Pháp Như kêu gọi sự nỗ lực chung tay của tất cả mọi người cùng nhau nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Với tâm nguyện luôn được tiếp sức cho bà con vùng dịch, Đại đức Thích Pháp Như cũng xác định: “Dịch chưa ngưng, thì chưa dừng hỗ trợ bà con”. Và trong lúc này, Đại đức rất cần sự nỗ lực chung tay của tất cả mọi người cùng nhau nhằm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc lan tỏa tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực tự cường của người dân trong đại dịch. Những phần quà trao tặng tuy nhỏ nhưng đó là tấm lòng yêu thương mà Đại đức cùng với các bạn đồng tu, các Phật tử, mạnh thường quân đã đóng góp nhằm động viên những người lao động nghèo, người gặp khó khăn chịu ảnh hưởng do dịch bệnh để phần nào giúp bà con nỗ lực vượt qua những khó khăn để sớm trở về cuộc sống bình thường, an lành và hạnh phúc.

Đại đức Thích Pháp Như cũng xác định: “Dịch chưa ngưng, thì chưa dừng hỗ trợ bà con”.

Để duy trì công việc thiện nguyện lâu dài, nhất là trong thời điểm dịch bệnh còn đang diễn biến phức tạp, rất mong sự phát tâm ủng hộ của quý Phật tử, mạnh thường quân gần xa. Mọi sự phát tâm xin quý vị liên hệ trực tiếp: ĐĐ. Thích Pháp Như (Văn Đức Vĩnh)/ ĐT: 0938 414 740 – Số tài khoản 0071003828066 Vietcombank chi nhánh Hồ Chí Minh.

Hồ Đức

Share This Post: